Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Đèn ông sao với đèn cá chép vui tết trung thu

Vào ngày tết trung thu trẻ em thường vòi cha mẹ mua bánh trung thu và những chiếc lồng đèn ông sao để đi chơi đêm hội trăng rằm.

Một mùa trung thu nữa lại sắp đến, xem thông tin Bánh trung thu Kinh Đô 2015

Lồng đèn ông sao đón trung thu


Thị trường lồng đèn mấy năm gần đây tràn ngập những lồng đèn trung quốc với nhiều mô hình hoạt hình ngộ nghĩnh, làm bằng điện tử, âm nhạc vui tay. Tuy nhiên, chúng lại chứa những hóa chất độc hai, có thể gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng và nhất là trẻ em khi cầm nắm, sử dụng sản phẩm.

Vậy chúng ta hãy cùng tham khảo cách làm lồng đèn ông sao chơi tết trung thu bằng những vật liệu quen thuộc, xung quanh ta, tạo ra những chiếc lồng đèn độc đáo và an toàn vui chơi tết trung thu nhé.
Cách làm đèn ông sao cho Tết Trung thu.

Chỉ cần khoảng 15 – 20 phút là bạn có thể làm xong chiếc đèn ông sao xinh xắn,  năm cánh lung linh sắc màu. Bạn có thể cùng bé làm lồng đèn vừa giúp bé sáng tạo và dạy cho trẻ cách chơi những đồ chơi vừa thân thiện với môi trường và vừa có văn hóa.

Làm được một chiếc đèn ông sao rất đơn giản, dễ thao tác. Công đoạn khó nhất có lẽ là là chuẩn bị nguyên vật liệu. Đặc biệt, ở thành phố, việc tìm kiếm chúng khó khăn hơn nhiều so với ở nông thôn.

Cách làm lồng đèn ông sao


Bạn cần có

- 10 thanh tre vót dẹp, dài 50cm
- 5 thanh tre dẹp dài 8cm/thanh, làm đoạn nối
- Dây kẽm:cắt thành khúc vừa đủ làm, mỗi khúc dài khoảng 5cm. 1 Khúc kẽm dài khoảng 10cm quấn xung quanh cây đũa thành lò xo.
- Hồ dán
- Giấy kiếng màu
- Kềm
- kéo

Cách làm lồng đèn như sau:

Nối 3 thanh tre dài thành hình chữ N ngược, cố định bằng dây kẽm.

Nối 2 thanh tre thành hình chữ V, đan vào với hình chữ N ngược.  Cố định các đỉnh bằng dây kẽm Làm tương tự để ra 2 hình ngôi sao bằng nhau. Sau đó, chập 2 hình ngôi sao vào làm 1, cố định bằng dây kẽm ở các đỉnh. Tiếp theo, bạn dùng những thanh tre ngắn chèn vào giữa 2 lớp ngôi sao, dùng kẽm để cố định, lưu ý, cột dây kẽm cho thật chặt. Cố định vị trí của lò xo để gắn đèn cầy. Dùng hồ dán giấy kiếng lên các cạnh ngôi sao

Tiếp tục làm như thế với các cạnh còn lại nếu bạn muốn làm mỗi cánh sao 1 màu. Bạn có thể dùng giấy kiếng nhiều màu sắc cho chiếc lồng đèn trở nên đáng yêu hơn, nhiều màu hơn.

Sau khi trang trí theo ý thích xong bạn phải đem ra phơi nắng hoặc dùng máy sấy sấy nhẹ lồng đèn thì giấy kiếng mới căng và bóng được.

Vậy là chúng ta đã có một chiếc đèn ông sao để vui tết trung thu vừa ý nghĩa, vừa đẹp lại an toàn nữa đó nhé.

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Đón trung thu cùng bánh dẻo tự làm


Nếu bạn đã ngán bánh trung thu nướng thì bạn có thể làm bánh dẻo thơm ngon và cách làm như sau.
Bánh dẻo ăn mềm, dai, ngọt sẽ giúp chúng ta đổi vị khi đã phát ngán với bánh trung thu truyền thống, công thức sau đây giúp bạn có thể tự làm bánh dẻo tại nhà vô cùng đơn giản và dễ làm




Nguyên liệu để làm bánh dẻo truyền thống như sau:

Bột bánh:

Bạn cần500gr đường cát trắng
330ml nước
300gr bột bánh dẻo
1 ít nước hoa bưởi
3ml dầu ăn
½ quả chanh vắt lấy nước cốt


Phần nhân bánh:

200gr đậu xanh xát vỏ
80gr dầu ăn
100gr đường
½ muỗng cafe bột trà xanh (nếu muốn làm bánh dẻo trà xanh, cực ngon nhé)
1/2 thìa canh bột mỳ, 1 thìa canh bột bánh dẻo
1 thìa canh mạch nha


 Lưu ý, những nguyên liệu trên có thể làm được 10 cái bánh dẻo với trọng lượng trung bình một bánh là 150g nhé.

Đến phần vào bếp nào:

Ngâm đậu xanh  4 tiếng, cho vào nồi, đổ nước xâm xấp mặt, nấu sôi thêm tí muối. Sau đó bạn đem xay nhuyễn rồi sên với số dầu ăn và đường. Đảo đều tay, sau đó thêm bột mỳ và bột bánh dẻo cùng mạch nha vào sên tiếp. Đến khi nào sờ không thấy dính tay và khô ráo thì tắt bếp, cho bột trà xanh vào. 
Đường quậy tan, đun sôi 10 phút, để nguội. Hòa nước đường với dầu ăn, nước hoa bưởi, nước cốt chanh vào.
Từ từ đổ bột từng ít một vào âu trộn cho khỏi bị vón cục, trộn đến khi bột tan hết vào nước. Không nên trộn quá lâu bởi bánh sẽ bị chai cứng. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín để bột nghỉ 30 phút rồi nặn bánh. Cho miếng nhân vào giữa, vo tròn. Tiếp tục, lăn bột 1 lần nữa qua 1 lớp bột áo rồi đóng khuôn.


Thế là bạn có thể cùng cả nhà thưởng thức bánh dẻo thơm ngon và còn gì thú vị hơn là bạn sẽ rủ cả gia đình tham gia nhỉ! Những chiếc bánh trắng trong, mềm mại và thơm mùi nếp chín, thoang thoảng mùi nước hoa bưởi sẽ là món quà đặc biệt bạn dành tặng cả nhà nhân dịp trung thu này đấy. 

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Bánh da lợn thơm ngon truyền thống

Bên cạnh bánh trung thu, bánh da lợn là món ăn dân dã và đã có từ lâu đời, vì phía ngoài có lớp bột óng, dẻo dai có chút liên tưởng tới tấm da lợn nên được gọi là bánh da lợn.

Điểm đặc trưng của bánh là nhiều lớp với nhiều màu sắc chồng lên nhau, chia tầng rõ rệt, trông đẹp mắt vô cùng. Nguyên liệu chế biến bánh gồm bột năng, bột nếp, đường, cốt dừa, màu sắc thêm vào là tùy màu lá: lá dứa cho màu xanh, lá cẩm cho màu tím, màu đỏ thì dùng gấc, vàng là thêm bột nghệ; cũng có thể mua sẵn ống vani tạo hương thơm.



Hôm nay chúng ta cùng vào bếp để tự tay làm bánh  ngon này nhé. Bạn có thể thưởng thức trong dịp trung thu nếu chán ngán đồ ngọt rồi nhé. 

Công thức làm bánh da lợn:

Nguyên liệu:

- Bột năng: 250gr
- Bột gạo: 50gr
- Đường: 150gr
- Đậu xanh xát vỏ: 120gr
- Nước cốt dừa: 200ml
- Lá dứa: khoảng 3-4 lá
- Nước: 800ml

Nguyên liệu làm bánh

Cách làm:

Bước 1: Đậu xanh ngâm nở, nấu chín. Tranh thủ lúc đậu còn nóng bạn đem xay nhuyễn. Sau đó, xắt nhỏ lá dứa, thêm ít nước cho vào máy xay, vắt lấy nước.

Bước 2: Nước cốt dừa, bột năng, bột gạo, đường chia làm đôi, một nửa đem hòa với hỗn hợp đậu xanh.
Nửa còn lại các bạn đem hòa với hỗn hợp lá dứa.

Bước 3: Tráng một lớp dầu ăn vào lòng khuôn, đặt khuôn vào nồi hấp, đổ một lớp hỗn hợp lá dứa vào khuôn, hấp chín xong thì đổ tiếp hỗn hợp đậu xanh, làm tương tự cho đến khi hết bột hoặc vừa đầy khuôn. Bánh chín, đợi thật nguội mới tiến hành lấy bánh ra khỏi khuôn.

Bước 4: Dùng mũi dao lóc nhẹ vào thành khuôn, úp ngược khuôn lên dĩa để đổ bánh ra.

Bước 5: Dùng sợi chỉ khâu cắt bánh thành những miếng vừa ăn


Từng chiếc bánh dẻo dai, béo bùi, thơm ngậy, hương vị thanh tao khiến bao bực dọc trong người cũng như tan biến hết. Bánh lại dễ tùy biến từ màu sắc tới hương vị, ngoài cốt dừa lá dứa, người ta cũng hay thêm đậu xanh cho bánh bùi thơm hơn, cũng có thể thêm tầng bánh hạt sen cho thêm vị thanh tao.

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Bánh trung thu đơn giản dễ làm

Mùa trung thu sắp đến rồi, hãy cùng vào bếp với những chiếc bánh trung thu đơn giản dễ làm thơm ngon nào.  Hôm nay chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn công thức đơn giản, dễ làm bánh trung thu nhé.

Bánh nướng luôn đòi hỏi những cách làm cầu kỳ hơn bánh dẻo, tuy nhiên, với công thức đơn giản sau, bạn sẽ làm được những chiếc bánh đặc biệt dành cho gia đình, bạn bè.


Bánh trung thu đơn giản dễ làm

Bánh trung thu nướng luôn đa dạng. Bạn có thể làm bánh nướng với nhiều loại nhân, tùy theo sở thích của gia đình.



Sau đây là phần chuẩn bị nguyên liệu làm vỏ bánh:

- 300g bột mỳ nào

- 40g dầu ăn

- 5 ml nước tro Tàu. Bạn có thể mua nước tro ở các cửa hàng bán hương liệu, nguyên vật liệu ở các chợ

- 200 ml nước đường đã sơ chế


Cách làm vỏ bánh:

- Cho bột mỳ vào một chiếc âu lớn, đồ dầu ăn, nước tro tàu và nước đường vào giữa.

- Trộn bột nhẹ nhàng, đều tay, rồi nhào từ từ đến khi bột mịn là được.

- Chia bột thành 8 viên nhỏ, đều.

- Cán mỏng bột rồi cho nhân vào giữa, túm bột lại, cho vào khuôn ấn chặt rồi gõ mạnh khuôn để lấy bánh ra.


Nguyên liệu để phết mặt bánh:

- 2 lòng đỏ trứng gà

- 10ml nước

Nguyên liệu để làm nhân thập cẩm bánh nướng cho 8 bánh nướng 150g:

- 100g hạt dưa tách vỏ, rang chín

- 100 hạnh nhân nguyên hạt rang chín, tách đôi

- 100g mứt sen, tách đôi

- 100g mứt bí

- 50g mứt gừng

- 100g vừng rang;

- Lá chanh thái chỉ

- 150g mỡ đường (mỡ luộc lên, thái hạt lựu ướp đường tỉ lệ 2:1, để trong khoảng 1 ngày

- 100g lạp xường

- 5 ml dầu mè

- Bột ngũ vị hương

- 10 ml nước cất hoa bưởi

- 1 ít muối

- Bột bánh dẻo để làm chất kết dính

- Nước đường

- Dầu ăn

Đến phần thực hiện rồi đây :

Cách làm nước đường bánh dẻo để cho vào vỏ:

- Cho 1 kg đường cát vào 1 lít nước lọc rồi khuấy đều.

- Bắc lên bếp đun sôi thì tắt bếp, chú ý không quấy hoặc đảo trong quá trình nấu. Cách nấu nước đường dễ làm, nhưng nhược điểm là dùng cho bánh ăn ngay trong vài ngày.

- Nếu bạn muốn để bánh được lâu thì khi đun nước đường được 20 phút, bạn vắt nước cốt của 1 quả chanh vào nồi, để sôi lại 5 phút rồi tắt bếp.

Cách làm nhân:

- Trộn tất cả các nguyên liệu trong phần nhân với nhau.

- Bột bánh dẻo là chất kết dính nên sau khi trộn nhân xong, bạn cho vào sau cùng.

- Tiếp tục trộn, khi nào bạn có thể chia hỗn hợp thành những viên nhỏ, không rời rạc là được.

- Trứng muối đập lấy lòng đỏ, để vào rổ, rửa sạch dưới vòi nước rồi để ráo.

- Ngâm lòng đỏ trứng muối với rượu trắng và vài lát gừng.

- Vớt trứng muối ra để ráo, hấp trong vòng 10 - 15 phút.


Nướng bánh:

- Đánh tan 2 lòng đỏ trứng với 10 ml nước.

- Vặn lò nướng ở nhiệt độ khoảng 200 - 210 độ C.

- Xếp bánh lên khay đã quét qua dầu ăn.

- Nướng bánh trong 5 phút, khi bánh có mùi thơm và bắt đầu vàng là được.

- Lấy nhanh bánh ra khỏi lò, xịt một chút nước lọc lên bánh rồi để bánh nghỉ 5 phút.

- Sau đó lấy chổi quét hỗn hợp lòng đỏ trứng lên mặt bánh.

- Vặn lò nướng ở 220 độc C và nướng tiếp 3 phút.

- Khi bánh ngả màu vàng đậm thì tắt bếp, lấy bánh ra.

- Chú ý, nếu sau khi nướng lần 1, thấy bánh bị cứng thì nhúng bánh vào nước lạnh rồi vớt ra, để bánh nghỉ 10 phút mới nướng tiếp lần 2.



Và bây giờ, bánh trung thu nướng đã ra lò, thơm ngon và vô cùng hấp dẫn, bạn hãy cùng gia đình thưởng thức bánh vừa ngon, vừa an toàn và vệ sinh nữa phải không nào?